Những ngày đầu tháng 5/2023, từ Cảng quốc tế Cam Ranh, chúng tôi bắt đầu chuyến hải trình đến thăm chiến sĩ và người dân đang sinh sống, làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo Trường Sa thân yêu.

     Điểm đảo đầu tiên chúng tôi đặt chân đến là đảo Đá Nam. Để vào thăm đảo, chúng tôi phải rời tàu lớn để di chuyển bằng xuồng. Giữa mênh mông biển khơi, chiếc xuồng như chiếc lá luồn lách qua từng cơn sóng biển đưa đoàn cập đảo. Có những lúc sóng vỗ vào mạn xuồng bắn nước biển vào người khiến ai cũng có cảm giác kinh ngạc xen chút lo âu. Vậy mới thấy được các chiến sĩ hải quân giỏi đến nhường nào.

     Khi vào đến đảo, ở mốc chủ quyền, một người lính bồng súng đứng gác rất trang nghiêm, mắt luôn hướng về phía trước nơi mặt biển đang rì rào sóng vỗ. Dù không được phân công, nhưng từng thành viên trong đoàn đã chủ động thăm hỏi từng chiến sĩ, tìm xem có chiến sĩ nào cùng quê mình hay không. Và tôi cũng không ngoài cái cảm xúc ấy, nhưng lại rất khác, người chiến sĩ đầu tiên tôi gặp chỉ là cái bắt tay chưa kịp hỏi thăm rồi sau đó tìm lại thì chính là người cùng quê, chiến sĩ ấy là Ngô Đức Mến ở xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam. Thật không thể ngờ được giữa muôn vàn trùng khơi người đầu tiên nói chuyện lại là người quê hương mình; một cảm xúc lâng lâng, xen chút tự hào trào dâng trong tôi. Tôi ôm Mến thật chặt, cái ôm của những người con đi xa bỗng nghe tiếng nói thân thương quê nhà; lúc đó, tôi không kìm nổi cảm xúc, đôi mắt bỗng cay xè, nhưng sợ cháu thấy lại buồn nên tôi quay vội sang chỗ khác, lau đi. Nhìn lại, mắt Mến cũng rưng rưng nhưng cháu không khóc bởi bản lĩnh của người lính không cho phép… Vì thời gian và kế hoạch hành trình không cho phép đoàn ở lại lâu, đoàn công tác rời đảo sau hơn 2 giờ đồng hồ. Hình ảnh Mến đứng bên cột mốc vẫy tay chào khiến tôi không thể nào quên, nó như một lời gửi gắm: Chú yên tâm cháu và đồng đội sẽ giữ vững biển đảo quê hương.

     Rời đảo Đá Nam, chúng tôi tiếp tục đến đảo Đá Thị, Sinh Tồn Đông, An Bang, Đá Tây A, Trường Sa và Nhà giàn DK1/9. Ở mỗi đảo điều kiện sống của cán bộ chiến sĩ có những điểm khác nhau; nhưng có một điểm chung là họ đều rất trẻ, nhiệt huyết và quyết tâm canh giữ biển đảo quê hương. Tại vùng biển đảo Cô Lin – Len Đao và Gạc Ma, đoàn công tác dừng lại và đã tổ chức buổi lễ tưởng niệm các chiến sĩ đã ngã xuống; buổi lễ diễn ra rất nghiêm trang, gần 300 con hạc trắng và những cành hoa cúc vàng được từng thành viên đoàn công tác và các chiến sĩ tàu 561 thả xuống biển để tưởng nhớ anh linh của 64 chiến sĩ đã hy sinh anh dũng để bảo vệ biển đảo, chủ quyền của Tổ quốc. Một thành viên trong đoàn chia sẻ, những cánh hoa sau khi thả xuống biển thì dù sóng biển có cao đến đâu, biển động cấp mấy những cánh hoa này sẽ trôi dần về phía đảo Gạc Ma; nó có thể là sự trùng hợp của dòng hải lưu chảy qua khu vực này nhưng nó cũng là điều thể hiện Trường Sa luôn ở trong trái tim của mỗi con người Việt Nam.

     Kết thúc chuyến hải trình những thành viên trong đoàn vẫn còn nguyên cảm giác lâng lâng của những giây phút nhấp nhô cùng con tàu 561, những tiếng sóng vỗ vào mạn thuyền, tiếng gió réo rít hòa với tiếng phập phồng bay của lá cờ Tổ quốc trên đỉnh cao nhất của con tàu khi màn đêm xuống cùng với tiếng máy tàu vang đều giữa biển khơi. Những cái bắt tay nồng ấm, những ánh mắt trìu mến nhìn nhau, những cái ôm siết chặt và những nụ cười hiền hậu trao cho nhau từ lúc mới vừa lên đảo, nhà giàn và cả khi chia tay thật đầy xúc động, một cảm xúc dâng trào và tràn đầy tình cảm giữa các thành viên của đoàn công tác với các cán bộ, chiến sĩ và người dân đang sinh sống tại các đảo thật khó quên.

Tác giả (đứng thứ 3 từ trái qua) chụp cùng các chiến sĩ quê Bình Thuận đang công tác tại quần đảo Trường Sa.

     Tiếng còi tàu đã vang lên, đoàn công tác chào tạm biệt Trường Sa, Nhà giàn thân yêu!

GHI CHÉP: PHẠM NĂNG HIỆP

 

Chia sẽ